Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

Google Translate: "Thông dịch viên" trực tuyến cho người Việt

Google Translate: "Thông dịch viên" trực tuyến cho người Việt

Google vừa bổ sung thêm khả năng hỗ trợ tiếng Việt cho công cụ chuyển đổi ngôn ngữ trực tuyến Google Translate. Đây có thể coi là minh chứng cho thấy Google đánh giá khá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Sử dụng Google Translate người dùng không chỉ có thể dịch từ, câu hay đoạn văn mà còn có thể dịch cả một trang web từ nhiều ngôn ngữ khác nhau sang tiếng Việt hoặc ngược lại từ tiếng Việt sang một tiếng nước ngoài khác bằng những thao tác rất đơn giản. Ví dụ người dùng có thể dịch website báo Tuổi Trẻ sang tiếng Anh và 32 ngôn ngữ khác. Hay dịch trang blog của mình để các khách nước ngoài có thể xem trang này dễ dàng hơn.

Không những thế các nhà phát triển và quản trị website còn có thể dễ dàng bổ sung Google Translate lên trang web mong muốn chỉ bằng một vài dòng lệnh Javascript đơn giản được Google cung cấp sẵn. Công cụ này cho phép người dùng có thể dịch website sang ngôn ngữ quen thuộc với họ, góp phần phá bỏ rào cản ngôn ngữ trên thế giới mạng Internet.

“Translated Search” là một tính năng khác của Google Translate cho phép người dùng dịch một thuật ngữ tìm kiếm từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác rồi tiến hành tìm kiếm bằng chính Google Search với từ khóa đã được dịch đó. Tính năng này hiện cũng đã hỗ trợ tiếng Việt.
Duy nhất tính năng Dictionary của Google Translate là đến thời điểm này vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt.

Đối với người dùng Google Toolbar, Google Translate sẽ có thêm một tính năng nữa. Đó là dịch nghĩa từ trực tiếp trên website bằng tiếng Anh. Chỉ cần chỉ chuột vào từ muốn tra nghĩa Google Translate sẽ ngay lập tức hiển thị một cửa sổ pop-up nhỏ hiển thị đầy đủ ngữ nghĩa của từ đó bằng tất cả ngôn ngữ có hỗ trợ.

Như vậy, với việc bổ sung thêm tiếng Việt, tổng số lượng ngôn ngữ được Google Translate hỗ trợ đến thời điểm hiện tại đã lên tới con số 34. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể dịch một ngôn ngữ nguồn sang 33 thứ tiếng khác nhau như tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Na Uy, Hà Lan, Ả Rập, Bungari, Croatia, Đan Mạch, Hy Lạp, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…

Vấn đề chất lượng
Google Translate có thể dịch từ khá tốt nhưng lại gặp khó khăn trong việc dịch câu, đoạn văn, dịch ý hay câu phức tạp. Với những từ tiếng lóng hay mang nghĩa bóng thì Google Translate cũng không thể xử lý được. Trong những trường hợp như thế này đôi khi Google Translate vẫn để nguyên ngôn ngữ gốc. Trường hợp người dùng đưa lên tiếng Việt không dấu thì Google Translate cũng đành… bó tay.

Nhưng có thể nói chất lượng dịch của Google vẫn tương đối tốt và đủ để những người không hiểu biết một thứ ngôn ngữ nào đó có thể hiểu được ý nghĩa của một website viết bằng ngôn ngữ đó. Chúng ta khó có thể đòi hỏi được chất lượng dịch cao hơn nữa mặc dù Google cam kết sẽ liên tục cải tiến và nâng cấp.

Đơn giản là bởi Google Translate là một “cái máy biết dịch” chứa không phải là “một thông dịch viên bằng xương bằng thịt”. Làm sao một chiếc máy mà có đủ khả năng để hiểu hết sự phức tạp trong ngôn ngữ hàng ngày của con người.
“Chiếc máy dịch” đó hiện vẫn phải sử dụng cơ chế dịch kiểu “word-by-word” đối chiếu trực tiếp từ trong ngôn ngữ nguồn với từ có nghĩa tương đương trong ngôn ngữ đích rồi ghép lại thành câu dịch. Cũng có khá nhiều mẫu câu ngữ pháp có mặt trong cơ sở dữ liệu của Google Translate nhưng không phải lúc nào cũng được sử dụng đúng và phù hợp.

Tuy nhiên, không ít người dùng Việt Nam khi dùng thử đều đã đánh giá Google Translate là công cụ chuyển đổi ngôn ngữ trực tuyến tốt nhất trên thế giới mạng Internet hiện nay.
Đánh giá cao thị trường Việt Nam

Việc Google Translate bổ sung thêm khả năng hỗ trợ tiếng Việt không chỉ là một tin tốt lành đối với người dùng Việt mà nó còn là dấu hiệu rõ ràng cho thấy “cách nhìn” của một hãng công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay đối với thị trường công nghệ thông tin Việt Nam.

Các quan chức cấp cao của Google khi đến Việt Nam gần đây trả lời báo giới rằng Việt Nam thực sự là một thị trường tiềm năng. Việc bổ sung thêm khả năng hỗ trợ tiếng Việt cho Google Translate lần này có thể xem là một minh chứng rõ ràng cho “đánh giá” đó của “gã khổng lồ tìm kiếm”.
Yếu tố quan trọng nhất trong “con mắt” của Google chính là người dùng Internet. Càng có nhiều người dùng được dùng Internet, được truy cập web và sử dụng dịch vụ của Google thì hãng này càng kiếm được nhiều lợi nhuận từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến. Việt Nam lại đang có lợi thế về mặt này.

Tính đến nay đã có khoảng 20,2 triệu người dân Việt Nam - khoảng 23,4% dân số - được sử dụng Internet. Theo số liệu thống kê của Internet World Stats, Việt Nam hiện đứng thứ 6 ở châu Á và đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á - sau Indonesia (25 triệu) - về số lượng người dân được sử dụng Internet. Tính chung trên toàn thế giới Việt Nam đứng thứ 17/20 nước có số lượng người dân được dùng Internet nhiều nhất thế giới.
Còn nếu xét về tốc độ tăng trưởng thì ở Châu Á, Việt Nam chỉ xếp sau Pakistan. Chỉ sau có 8 năm số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đã tăng hơn 100 lần - từ khoảng hơn 200.000 trong năm 2000 đến 20,2 triệu trong năm 2008.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong danh sách 10 quốc gia có tốc độ phát triển mạng băng rộng cao nhất thế giới do Hãng nghiên cứu viễn thông Ovum (Anh) xây dựng. Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TTTT), cho biết hiện tốc độ phát triển Internet băng rộng tại Việt Nam tăng 150%. Mặc dù vậy, Việt Nam mới có khoảng 1,41 triệu thuê bao băng rộng và đạt mật độ 1,58% dân số.
Rõ ràng với một thị trường tiềm năng như thế này Google sẽ khó lòng nào mà có thể bỏ qua được. Việc bổ sung thêm khả năng hỗ trợ tiếng Việt cho Google Translate là một trong những bước đi đầu tiên của “gã khổng lồ tìm kiếm” trong việc xâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Việt Nam.

Hướng dẫn sử dụng
Để sử dụng Google Translate, người dùng trước tiên hãy truy cập vào địa chỉ http://translate.google.com/translate_t#, rồi dán từ, câu, đoạn văn… vào mục “Original Text” hoặc đường dẫn website vào mục “Translate a Web Page”, sau đó chọn ngôn ngữ nguồn - hoặc có thể để Google Translate tự chọn ngôn ngữ nguồn bằng cách chọn lựa “Detect Language” - và ngôn ngữ đích rồi bấm nút “Translate” và chờ đợi trong giây lát công cụ sẽ hiển thị đã được dịch.
Ví dụ, để dịch website Tuổi Trẻ Online từ tiếng Việt sang tiếng Anh, độc giả hãy nhập địa chỉ “http://www.tuoitre.com.vn” vào mục “Translate a Web Page” và chọn ngôn ngữ nguồn là “Vietnamese” và ngôn ngữ đích và “English” rồi bấm nút “Translate”. Chỉ trong vài giây Google Translate sẽ hiển thị kết quả trong cùng cửa sổ trình duyệt.

Còn để dịch một đoạn văn bản, độc giả hãy nhập nội dung văn bản vào mục “Original Text”, chọn ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích rồi bấm nút “Translate”. Kết quả dịch sẽ được hiển thị ở ngay bên tay phải đoạn văn bản gốc giúp người dùng dễ so sánh hơn.
Để bổ sung công cụ Google Translate vào website, nhà phát triển hãy truy cập vào địa chỉ http://translate.google.com/translate_tools?hl=en, chọn lựa ngôn ngữ hiển thị rồi sao chép phần mã nguồn trong mục “Copy and paste the HTML below to include the gadget on your webpage” đưa vào website.

Đối với người dùng Google Toolbar - có thể tải về miễn phí tại địa chỉ http://www.google.com/tools/firefox/toolbar/FT3/intl/en/index.html - sau đó tiếp tục truy cập vào địa chỉ http://translate.google.com/translate_tools?hl=en rồi nhắp chuột chọn ngôn ngữ mong muốn, kéo và thả nó vào thanh công cụ Google Toolbar để bổ sung thêm.

T.DŨNG

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2008

Interpol cảnh báo thuốc giả ở Việt Nam

Người sử dụng cần mua thuốc có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng - Ảnh: Thanh Tùng


Trong số những hàng hóa giả, thì thuốc chữa bệnh làm giả là thứ người ta sợ nhất.
Hôm qua 20.9, Sở Y tế (TP.HCM) đã tổ chức hội nghị “Một số vấn đề về thuốc giả”, với sự tham dự của rất đông dược sĩ, đại diện các nhà bán thuốc lẻ... Theo cơ quan chức năng, thuốc giả là một trong những vấn đề nóng bỏng và phức tạp hiện nay. Báo cáo của Thanh tra Sở Y tế (TP.HCM) cho biết, trong một đợt Thanh tra Sở tham gia lớp tập huấn về phòng chống thuốc giả do Cảnh sát Quốc tế (Interpol) tổ chức mới đây, Interpol đã đưa ra một số thông tin đáng lo ngại về tình trạng thuốc giả ở Việt Nam: qua khảo sát cho thấy, số mẫu thuốc giả được phát hiện tại Việt Nam đứng hàng thứ 2 so với các nước trong khu vực (với 406 mẫu thuốc giả được phát hiện). Tỷ lệ này ở Lào là 447 mẫu (nước cao nhất), Campuchia 271 mẫu, Thái Lan 173 mẫu... Những mặt hàng thuốc giả được phát hiện phần lớn là các thuốc: kháng sinh (như: Ampicillin, Amoxicillin, Erythromycine, Tetracyclin...); các thuốc chữa bệnh rối loạn cương dương (như Viagra, Cialis...); và các thuốc chữa trị bệnh sốt rét... Interpol đưa ra nhận định rằng: “Tỷ lệ thuốc giả ở Việt Nam có phần phức tạp do hiện nay thuốc giả được sản xuất bằng công nghệ cao, bao bì sản phẩm rất giống thuốc thật, hoặc do hàng kém chất lượng từ nước ngoài đưa vào Việt Nam bằng nhiều đường, rồi “mông má” lại hạn sử dụng”.



Qua công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống thuốc giả trong thời gian qua của Sở Y tế TP.HCM, đã phát hiện thuốc giả tại thị trường TP.HCM dưới nhiều hình thức, chủng loại như: 1. thuốc giả không có dược chất gì cả (thuốc này không có tác dụng điều trị), đây là điều đáng sợ nhất, vì theo báo cáo, hàng loạt các thuốc giả loại này liên quan đến những thuốc kháng sinh quen thuộc; 2. giả tên của một số nhãn hiệu nổi tiếng; 3. giả với hình thức mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của các thuốc đã đăng ký sở hữu công nghiệp; 4. giả bằng cách dùng nhãn phụ nhập khẩu giả dán lên thuốc nhập lậu... Riêng từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã chuyển 2 trường hợp thuốc giả sang cơ quan cảnh sát điều tra.




Phó chánh thanh tra Sở Y tế (TP.HCM), dược sĩ Trần Thị Thanh Loan nói: “Thị trường thuốc giả hoành hành trên cả thế giới chứ không riêng gì trong nước. Thuốc giả lưu thông khắp thế giới bằng nhiều đường khác nhau, thậm chí mua bán trên Internet. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc giả chiếm 7-15% tại thị trường thuốc các nước phát triển; và chiếm 25% tại thị trường thuốc ở các nước đang phát triển”. PGS.TS Trương Văn Tuấn (Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện, TP.HCM) cảnh báo về tác hại của thuốc chữa bệnh giả: “Thuốc giả ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, có thể gây ngộ độc, hoặc bệnh nhân phải gánh chịu những phản ứng có hại, tác dụng phụ...”. Theo các nhà chuyên môn, ngoài là mặt hàng được sử dụng rất nhiều, thì việc thu lợi bất chính từ sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh giả là rất cao, vì thế thuốc được làm giả rất nhiều. Việc phòng chống thuốc giả, do vậy, là vấn đề hết sức nóng bỏng và khó khăn.



Bàn về biện pháp phòng chống thuốc giả, đại diện Sở Y tế khuyến cáo các cơ sở buôn bán thuốc chỉ kinh doanh những loại thuốc có chứng từ, hóa đơn, nguồn gốc rõ ràng. Theo PGS.TS Trương Văn Tuấn, để phòng chống thuốc giả, ngoài việc kiểm soát gắt gao từ phía các cơ quan quản lý, thì người tiêu dùng cũng cần cảnh giác cao với thuốc giả.




Thanh Tùng - Lê Nga

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008

“Loạn” xét nghiệm, bệnh nhân khốn khổ



“Loạn” xét nghiệm, bệnh nhân khốn khổ
TP - Có bệnh nhân làm xét nghiệm tiêu tốn cả triệu đồng nhưng khi đưa kết quả này sang một bệnh viện khác thì bị cho là “không hợp lệ” và bắt buộc phải làm lại xét nghiệm.



Các loại bệnh cần xét nghiệm ngày càng nhiều nhưng mỗi bệnh viện lại theo một "chuẩn" khác nhau. Ảnh: Lê Nguyễn.


Nhiều bệnh viện còn “đẻ” ra hàng loạt xét nghiệm mà lẽ ra không cần thiết để rút tiền bệnh nhân.

Chỗ bảo có, nơi bảo không
Phát hiện mình hay bị đau lưng, ngày 8/9, ông Lê Mỹ, 64 tuổi, ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, lặn lội vào Bệnh viện Bình Dân TPHCM để được thăm khám.
Tại đây, ông được chỉ định làm gần 10 xét nghiệm như xét nghiệm máu, chụp phim phổi, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm chức năng gan, đường trong máu, mỡ trong máu… tiêu tốn của ông gần 2 triệu đồng.
Sau khi có kết quả là sỏi thận trái, viên sỏi chỉ 5mm, ông Mỹ còn phải trải qua thêm một loạt xét nghiệm nữa như làm UIV, xét nghiệm lại chức năng thận… để bác sĩ tiến hành tán sỏi.
Ông Mỹ không phải là trường hợp điển hình. Ngày 10/9, sau khi đến bệnh viện 115 TPHCM khám sức khỏe tổng quát, anh Nguyễn Văn B. ở quận 7, TPHCM phải làm tổng cộng 10 xét nghiệm kiểm tra.
Phát hiện mình có vấn đề về thận niệu nên anh qua bệnh viện Bình Dân thăm khám tiếp. Tuy nhiên, tại đây anh phải làm lại tất cả các xét nghiệm cũ trước khi làm xét nghiệm chuyên về bệnh lý thận niệu.
Ngày 25/8, chị Nguyễn Thị H. ở quận Tân Bình, TPHCM đến Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo ở quận 11 để xét nghiệm xem mình có bị viêm gan siêu vi hay không. Sau khi làm hết các xét nghiệm với tổng số tiền hơn 2 triệu đồng, kết quả chị bị viêm gan siêu vi B.
Thế nhưng, khi đi qua làm xét nghiệm lại ở bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và bệnh viện Chợ Rẫy thì chị không bị viêm gan B. Vòng luẩn quẩn xét nghiệm đã khiến chị mất hơn 5 triệu đồng nhưng chả biết tin vào kết quả nào.
Bác sĩ Hoàng Quốc Hòa - Phó Giám đốc bệnh viện Gia Định TPHCM cho biết, ông đã gặp không ít trường hợp khi bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện này phải “ôm” cả hàng đống XN không cần thiết.
“Có bệnh nhân chỉ bị bệnh tăng huyết áp bình thường, sau khi làm các xét nghiệm bệnh lý xong, bác sĩ ở một bệnh viện tại TPHCM còn bắt người bệnh phải chụp CT ngực và chụp cả MRI, cho dù họ không nằm trong diện nghi ngờ bóc tách động mạch chủ ngực”- bác sĩ Hòa nói.

Bệnh viện này chê bệnh viện kia
Ngày 9/10, tại khoa Tán sỏi của bệnh viện Bình Dân, anh Nguyễn Minh Tuấn 28 tuổi, ở Bình Giã, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu không giấu được sự bực tức khi anh đã có trong tay kết quả xét nghiệm của 2 bệnh viện nhưng tới bệnh viện Bình Dân anh vẫn bị bệnh viện này “cho thêm” một loạt xét nghiệm lại nữa.
Ông Lê Mỹ: “Tôi đi xét nghiệm ở Medic rồi nhưng qua bệnh viện Bình Dân vẫn phải làm lại xét nghiệm toàn bộ”.






Anh Tuấn bức xúc: “Trước đó khi đến bệnh viện tỉnh Bà Rịa, tôi được các bác sĩ cho làm xét nghiệm về máu, nước tiểu, huyết học, chụp 3 lần X- quang về phổi; siêu âm thận… tốn hơn 1 triệu đồng. Họ kết luận tôi bị sỏi thận. Chưa tin nên tôi đến bệnh viện Triều An TPHCM tiếp tục thăm khám.
Tại đây, tôi cũng được làm hàng chục xét nghiệm tương tự và kết quả bị sỏi thận trái, với viên sỏi 6mm. Nhưng qua bệnh viện Bình Dân, tôi phải chi gần 2 triệu tiền xét nghiệm nữa, vì lý do cả hai bệnh viện trên là tuyến dưới, kết quả xét nghiệm không chính xác?!”.
Bệnh viện tuyến trên chê kết quả xét nghiệm của tuyến dưới đã đành, nhưng theo các bác sĩ, bệnh viện ngang tuyến, có cùng đội ngũ cán bộ xét nghiệm và máy móc tương tự nhau cũng chê nhau.
Ngay tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, bác sĩ Hòa cho biết bệnh viện chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm của một số bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Trung tâm chẩn đoán Medic hay Viện Pasteur mà thôi.
Nhưng không phải xét nghiệm nào cũng được chấp nhận, có vài xét nghiệm chỉ để “tham khảo”. Lý do đơn giản mà bác sĩ Hòa đưa ra là chưa có một quy định chuẩn về xét nghiệm nên không thể dựa vào nhau để điều trị cho người bệnh được. Vì vậy, có những xét nghiệm không phù hợp với kết quả lâm sàng của bệnh, bệnh viện bắt buộc bệnh nhân phải làm lại.
Trong khi đó, ngay cả những xét nghiệm của bệnh viện ngang tuyến, thậm chí xét nghiệm của Đại học Y dược TPHCM hay Chợ Rẫy đều bị bác sĩ bệnh viện Bình Dân bắt làm lại từ đầu. Họ giải thích rằng, xét nghiệm lại để bảo đảm độ chính xác, tránh được sự cố vì bệnh viện khác xét nghiệm sai (?!).
Các bệnh viện khẳng định, họ tuyệt nhiên không dám lấy kết quả xét nghiệm từ các bệnh viện tư để điều trị cho bệnh nhân. Lý do là phương tiện xét nghiệm thiếu, yếu nên lấy kết quả này điều trị cho bệnh nhân thì có khi “mang họa”.

Bao giờ mới có “chuẩn”?
Nhiều năm trời báo chí kêu ca về tình trạng “loạn” xét nghiệm gây tốn kém tiền bạc, thời gian cho bệnh nhân, làm cho bệnh viện thêm quá tải… nhưng hình như Bộ Y tế vẫn chưa nghe tới. Vì vậy, ngày càng có nhiều phòng xét nghiệm mọc lên, nhiều bệnh viện rầm rộ trang bị thêm phương tiện hoạt động trong xét nghiệm, nhưng việc quản lý cũng gần như bị bỏ ngỏ.
Trong một cuộc kiểm tra 35 bệnh viện của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TPHCM mới đây cho thấy có đến 87% thiết bị chẩn đoán chưa qua kiểm định.
Đặc biệt, các loại huyết áp kế, nhiệt kế y học, máy điện tim, máy điện não, X-quang, máy xạ trị… không kiểm định nhưng vẫn ung dung đo đạc cho người bệnh khiến cho kết quả vênh nhau đến không ngờ.
Theo bác sĩ Hoàng Quốc Hòa, Bộ Y tế nên thành lập Hội đồng chuẩn hóa xét nghiệm hay một Trung tâm xét nghiệm chuẩn trên toàn quốc. Điều này sẽ tránh tình trạng cùng một xét nghiệm tương đương khi đến bệnh viện khác, bệnh nhân lại bị chỉ định làm xét nghiệm nữa. Và hơn hết là đảm bảo cho người bệnh và ngành y tế đỡ tốn kém.



Lê Nguyễn

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2008

TP.HCM: Nhiều cây xăng đong thiếu, gian lận

TP.HCM: Nhiều cây xăng đong thiếu, gian lận

TT(TP.HCM) - Thanh tra Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM vừa công bố kết quả thanh tra về kinh doanh xăng dầu tại 31 cửa hàng. Theo đó, có 45/201 cột đo xăng dầu được kiểm tra không đạt yêu cầu. Vi phạm gây bức xúc là đong thiếu số lượng. Đặc biệt là trường hợp gian lận bằng cách gắn chip điện tử để ăn gian số lượng (đong thiếu) vẫn còn diễn ra.
Đoàn thanh tra đã phát hiện cửa hàng xăng dầu số 2 (tổ 11, ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) gắn chip điện tử trong trụ bơm xăng dầu để điều khiển về đo lường. Tại cửa hàng xăng dầu này, sai số dương của cột bơm (đong thiếu) từ 2,77 - 6,38%. Vi phạm này đã bị chánh thanh tra Sở Khoa học - công nghệ ra quyết định xử phạt 13 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp đong thiếu nhiên liệu cho khách hàng với mức sai số dương thấp nhất được phát hiện là 0,6% và cao nhất đến 10,5% (cứ bán 100 lít nhiên liệu ăn gian được 10,5 lít). Nhiều trường hợp sai số dương 5-7%.
Có 4/18 mẫu xăng được đưa đi phân tích chất lượng không đạt về chỉ số octan của loại xăng như công bố. Cụ thể công bố bán xăng M92 nhưng khi phân tích chỉ số octan chỉ đạt 90,8 - 91,5, công bố bán xăng M95 nhưng chỉ đạt 93.
Tám đơn vị vi phạm

Tên đơn vị vi phạm

1. CH xăng dầu Hoàng Anh 1

Sai số dương (đong thiếu) 0,6-1,62%

Ðịa chỉ Vi phạm: 42B QL 22 ấp Xuân Thới Ðông, huyện Hóc Môn

2 . Cửa hàng xăng dầu số 5

Sai số dương 0,6-4,9%

Ðịa chỉ Vi phạm: QL 22, ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi

3 . Cửa hàng xăng dầu số 2

Gắn chip điện tử điều khiển đo lường; sai số dương 2,77 - 6,38%

Ðịa chỉ Vi phạm: Tổ 11, ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh

4 . Cty TNHH SXTMDV Uy Minh

Sai số dương 7-10,5% (mức cao nhất được phát hiện); công bố bán xăng 92 nhưng chỉ số octan chỉ 91,5

Ðịa chỉ Vi phạm: A4/27 QL 1A, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân

5 . DNTN Tân Thịnh Vượng

Công bố bán xăng 92 nhưng chỉ số octan chỉ 91,3

Ðịa chỉ Vi phạm: 6/4A QL 1A, khu phố 1, phường Thới An, Q.12

6 . CH bán lẻ xăng dầu Hai Lữ

Công bố bán xăng 95 nhưng chỉ số octan chỉ 93

Ðịa chỉ Vi phạm: D14/396 quốc lộ 50, xã Ða Phước, huyện Bình Chánh

7 . CH xăng dầu Bà Ðiểm 1

Công bố bán xăng 92 nhưng chỉ số octan chỉ 90,8

Ðịa chỉ Vi phạm: QL 22, ấp Ðông Lân, xã Bà Ðiểm, huyện Hóc Môn

8 . CH xăng dầu Thới Tam Thôn

Sai số dương 3,1 - 6,2%

Ðịa chỉ Vi phạm: 30/4 Tô Ký, ấp 5, xã Thới Tam Thôn, H. Hóc Môn

(Nguồn: Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM)