Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008

“Loạn” xét nghiệm, bệnh nhân khốn khổ



“Loạn” xét nghiệm, bệnh nhân khốn khổ
TP - Có bệnh nhân làm xét nghiệm tiêu tốn cả triệu đồng nhưng khi đưa kết quả này sang một bệnh viện khác thì bị cho là “không hợp lệ” và bắt buộc phải làm lại xét nghiệm.



Các loại bệnh cần xét nghiệm ngày càng nhiều nhưng mỗi bệnh viện lại theo một "chuẩn" khác nhau. Ảnh: Lê Nguyễn.


Nhiều bệnh viện còn “đẻ” ra hàng loạt xét nghiệm mà lẽ ra không cần thiết để rút tiền bệnh nhân.

Chỗ bảo có, nơi bảo không
Phát hiện mình hay bị đau lưng, ngày 8/9, ông Lê Mỹ, 64 tuổi, ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, lặn lội vào Bệnh viện Bình Dân TPHCM để được thăm khám.
Tại đây, ông được chỉ định làm gần 10 xét nghiệm như xét nghiệm máu, chụp phim phổi, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm chức năng gan, đường trong máu, mỡ trong máu… tiêu tốn của ông gần 2 triệu đồng.
Sau khi có kết quả là sỏi thận trái, viên sỏi chỉ 5mm, ông Mỹ còn phải trải qua thêm một loạt xét nghiệm nữa như làm UIV, xét nghiệm lại chức năng thận… để bác sĩ tiến hành tán sỏi.
Ông Mỹ không phải là trường hợp điển hình. Ngày 10/9, sau khi đến bệnh viện 115 TPHCM khám sức khỏe tổng quát, anh Nguyễn Văn B. ở quận 7, TPHCM phải làm tổng cộng 10 xét nghiệm kiểm tra.
Phát hiện mình có vấn đề về thận niệu nên anh qua bệnh viện Bình Dân thăm khám tiếp. Tuy nhiên, tại đây anh phải làm lại tất cả các xét nghiệm cũ trước khi làm xét nghiệm chuyên về bệnh lý thận niệu.
Ngày 25/8, chị Nguyễn Thị H. ở quận Tân Bình, TPHCM đến Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo ở quận 11 để xét nghiệm xem mình có bị viêm gan siêu vi hay không. Sau khi làm hết các xét nghiệm với tổng số tiền hơn 2 triệu đồng, kết quả chị bị viêm gan siêu vi B.
Thế nhưng, khi đi qua làm xét nghiệm lại ở bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và bệnh viện Chợ Rẫy thì chị không bị viêm gan B. Vòng luẩn quẩn xét nghiệm đã khiến chị mất hơn 5 triệu đồng nhưng chả biết tin vào kết quả nào.
Bác sĩ Hoàng Quốc Hòa - Phó Giám đốc bệnh viện Gia Định TPHCM cho biết, ông đã gặp không ít trường hợp khi bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện này phải “ôm” cả hàng đống XN không cần thiết.
“Có bệnh nhân chỉ bị bệnh tăng huyết áp bình thường, sau khi làm các xét nghiệm bệnh lý xong, bác sĩ ở một bệnh viện tại TPHCM còn bắt người bệnh phải chụp CT ngực và chụp cả MRI, cho dù họ không nằm trong diện nghi ngờ bóc tách động mạch chủ ngực”- bác sĩ Hòa nói.

Bệnh viện này chê bệnh viện kia
Ngày 9/10, tại khoa Tán sỏi của bệnh viện Bình Dân, anh Nguyễn Minh Tuấn 28 tuổi, ở Bình Giã, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu không giấu được sự bực tức khi anh đã có trong tay kết quả xét nghiệm của 2 bệnh viện nhưng tới bệnh viện Bình Dân anh vẫn bị bệnh viện này “cho thêm” một loạt xét nghiệm lại nữa.
Ông Lê Mỹ: “Tôi đi xét nghiệm ở Medic rồi nhưng qua bệnh viện Bình Dân vẫn phải làm lại xét nghiệm toàn bộ”.






Anh Tuấn bức xúc: “Trước đó khi đến bệnh viện tỉnh Bà Rịa, tôi được các bác sĩ cho làm xét nghiệm về máu, nước tiểu, huyết học, chụp 3 lần X- quang về phổi; siêu âm thận… tốn hơn 1 triệu đồng. Họ kết luận tôi bị sỏi thận. Chưa tin nên tôi đến bệnh viện Triều An TPHCM tiếp tục thăm khám.
Tại đây, tôi cũng được làm hàng chục xét nghiệm tương tự và kết quả bị sỏi thận trái, với viên sỏi 6mm. Nhưng qua bệnh viện Bình Dân, tôi phải chi gần 2 triệu tiền xét nghiệm nữa, vì lý do cả hai bệnh viện trên là tuyến dưới, kết quả xét nghiệm không chính xác?!”.
Bệnh viện tuyến trên chê kết quả xét nghiệm của tuyến dưới đã đành, nhưng theo các bác sĩ, bệnh viện ngang tuyến, có cùng đội ngũ cán bộ xét nghiệm và máy móc tương tự nhau cũng chê nhau.
Ngay tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, bác sĩ Hòa cho biết bệnh viện chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm của một số bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Trung tâm chẩn đoán Medic hay Viện Pasteur mà thôi.
Nhưng không phải xét nghiệm nào cũng được chấp nhận, có vài xét nghiệm chỉ để “tham khảo”. Lý do đơn giản mà bác sĩ Hòa đưa ra là chưa có một quy định chuẩn về xét nghiệm nên không thể dựa vào nhau để điều trị cho người bệnh được. Vì vậy, có những xét nghiệm không phù hợp với kết quả lâm sàng của bệnh, bệnh viện bắt buộc bệnh nhân phải làm lại.
Trong khi đó, ngay cả những xét nghiệm của bệnh viện ngang tuyến, thậm chí xét nghiệm của Đại học Y dược TPHCM hay Chợ Rẫy đều bị bác sĩ bệnh viện Bình Dân bắt làm lại từ đầu. Họ giải thích rằng, xét nghiệm lại để bảo đảm độ chính xác, tránh được sự cố vì bệnh viện khác xét nghiệm sai (?!).
Các bệnh viện khẳng định, họ tuyệt nhiên không dám lấy kết quả xét nghiệm từ các bệnh viện tư để điều trị cho bệnh nhân. Lý do là phương tiện xét nghiệm thiếu, yếu nên lấy kết quả này điều trị cho bệnh nhân thì có khi “mang họa”.

Bao giờ mới có “chuẩn”?
Nhiều năm trời báo chí kêu ca về tình trạng “loạn” xét nghiệm gây tốn kém tiền bạc, thời gian cho bệnh nhân, làm cho bệnh viện thêm quá tải… nhưng hình như Bộ Y tế vẫn chưa nghe tới. Vì vậy, ngày càng có nhiều phòng xét nghiệm mọc lên, nhiều bệnh viện rầm rộ trang bị thêm phương tiện hoạt động trong xét nghiệm, nhưng việc quản lý cũng gần như bị bỏ ngỏ.
Trong một cuộc kiểm tra 35 bệnh viện của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TPHCM mới đây cho thấy có đến 87% thiết bị chẩn đoán chưa qua kiểm định.
Đặc biệt, các loại huyết áp kế, nhiệt kế y học, máy điện tim, máy điện não, X-quang, máy xạ trị… không kiểm định nhưng vẫn ung dung đo đạc cho người bệnh khiến cho kết quả vênh nhau đến không ngờ.
Theo bác sĩ Hoàng Quốc Hòa, Bộ Y tế nên thành lập Hội đồng chuẩn hóa xét nghiệm hay một Trung tâm xét nghiệm chuẩn trên toàn quốc. Điều này sẽ tránh tình trạng cùng một xét nghiệm tương đương khi đến bệnh viện khác, bệnh nhân lại bị chỉ định làm xét nghiệm nữa. Và hơn hết là đảm bảo cho người bệnh và ngành y tế đỡ tốn kém.



Lê Nguyễn

Không có nhận xét nào: