Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2008

Interpol cảnh báo thuốc giả ở Việt Nam

Người sử dụng cần mua thuốc có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng - Ảnh: Thanh Tùng


Trong số những hàng hóa giả, thì thuốc chữa bệnh làm giả là thứ người ta sợ nhất.
Hôm qua 20.9, Sở Y tế (TP.HCM) đã tổ chức hội nghị “Một số vấn đề về thuốc giả”, với sự tham dự của rất đông dược sĩ, đại diện các nhà bán thuốc lẻ... Theo cơ quan chức năng, thuốc giả là một trong những vấn đề nóng bỏng và phức tạp hiện nay. Báo cáo của Thanh tra Sở Y tế (TP.HCM) cho biết, trong một đợt Thanh tra Sở tham gia lớp tập huấn về phòng chống thuốc giả do Cảnh sát Quốc tế (Interpol) tổ chức mới đây, Interpol đã đưa ra một số thông tin đáng lo ngại về tình trạng thuốc giả ở Việt Nam: qua khảo sát cho thấy, số mẫu thuốc giả được phát hiện tại Việt Nam đứng hàng thứ 2 so với các nước trong khu vực (với 406 mẫu thuốc giả được phát hiện). Tỷ lệ này ở Lào là 447 mẫu (nước cao nhất), Campuchia 271 mẫu, Thái Lan 173 mẫu... Những mặt hàng thuốc giả được phát hiện phần lớn là các thuốc: kháng sinh (như: Ampicillin, Amoxicillin, Erythromycine, Tetracyclin...); các thuốc chữa bệnh rối loạn cương dương (như Viagra, Cialis...); và các thuốc chữa trị bệnh sốt rét... Interpol đưa ra nhận định rằng: “Tỷ lệ thuốc giả ở Việt Nam có phần phức tạp do hiện nay thuốc giả được sản xuất bằng công nghệ cao, bao bì sản phẩm rất giống thuốc thật, hoặc do hàng kém chất lượng từ nước ngoài đưa vào Việt Nam bằng nhiều đường, rồi “mông má” lại hạn sử dụng”.



Qua công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống thuốc giả trong thời gian qua của Sở Y tế TP.HCM, đã phát hiện thuốc giả tại thị trường TP.HCM dưới nhiều hình thức, chủng loại như: 1. thuốc giả không có dược chất gì cả (thuốc này không có tác dụng điều trị), đây là điều đáng sợ nhất, vì theo báo cáo, hàng loạt các thuốc giả loại này liên quan đến những thuốc kháng sinh quen thuộc; 2. giả tên của một số nhãn hiệu nổi tiếng; 3. giả với hình thức mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của các thuốc đã đăng ký sở hữu công nghiệp; 4. giả bằng cách dùng nhãn phụ nhập khẩu giả dán lên thuốc nhập lậu... Riêng từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã chuyển 2 trường hợp thuốc giả sang cơ quan cảnh sát điều tra.




Phó chánh thanh tra Sở Y tế (TP.HCM), dược sĩ Trần Thị Thanh Loan nói: “Thị trường thuốc giả hoành hành trên cả thế giới chứ không riêng gì trong nước. Thuốc giả lưu thông khắp thế giới bằng nhiều đường khác nhau, thậm chí mua bán trên Internet. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc giả chiếm 7-15% tại thị trường thuốc các nước phát triển; và chiếm 25% tại thị trường thuốc ở các nước đang phát triển”. PGS.TS Trương Văn Tuấn (Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện, TP.HCM) cảnh báo về tác hại của thuốc chữa bệnh giả: “Thuốc giả ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, có thể gây ngộ độc, hoặc bệnh nhân phải gánh chịu những phản ứng có hại, tác dụng phụ...”. Theo các nhà chuyên môn, ngoài là mặt hàng được sử dụng rất nhiều, thì việc thu lợi bất chính từ sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh giả là rất cao, vì thế thuốc được làm giả rất nhiều. Việc phòng chống thuốc giả, do vậy, là vấn đề hết sức nóng bỏng và khó khăn.



Bàn về biện pháp phòng chống thuốc giả, đại diện Sở Y tế khuyến cáo các cơ sở buôn bán thuốc chỉ kinh doanh những loại thuốc có chứng từ, hóa đơn, nguồn gốc rõ ràng. Theo PGS.TS Trương Văn Tuấn, để phòng chống thuốc giả, ngoài việc kiểm soát gắt gao từ phía các cơ quan quản lý, thì người tiêu dùng cũng cần cảnh giác cao với thuốc giả.




Thanh Tùng - Lê Nga

Không có nhận xét nào: