Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2008

Bóng ma giảm phát đang ngấm ngầm lộ diện

Khi nhiều quốc gia trượt sâu hơn vào tình trạng khó khăn tài chính, một hiểm họa mới dường như đang dấy lên bên trong nền kinh tế Mỹ, hàng hóa ứ đọng chờ người mua, giá cả suy giảm bóp nghẹt vốn đầu tư thanh sạch và làm tình trạng thất nghiệp thêm trầm trọng. Người ta gọi nó là giảm phát, một thuật ngữ làm các nhà kinh tế nổi gai ốc.

Khủng hoảng kinh tế thế giới có thể làm mất việc của hàng ngàn công nhân ở các công ty đa quốc gia tại các nước đang phát triển (Ảnh: Times)"

Thập kỷ bị đánh mất" có thể trở lại?

Giảm phát từng đi đôi với cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Sự rớt giá liên tục cũng nằm trong tâm chấn của cái gọi là “thập kỉ bị đánh mất” ở nước Nhật sau sự đổ vỡ kinh hoàng của bong bóng thị trường bất động sản vào cuối những năm 1980, giai đoạn mà hiện nay một số chuyên gia tìm thấy có nhiều tương đồng với tình trạng khó khăn của nước Mỹ.

“Điều khả dĩ đó là phác họa rủi ro mà tôi nhận thấy”, Robert J. Barbera, kinh tế gia đầu ngành tại công ty nghiên cứu và mậu dịch ITG, cho biết. “Nó là cuộc khủng hoảng mà chúng ta đối mặt.”

Khi những nền kinh tế trên toàn cầu yếu đi, nhu cầu dầu mỏ, đồng, lương thực và các mặt hàng khác giảm đi, kéo theo sự hạ giá của nguyên liệu thô. Tuy giả cả giảm rõ rệt ở hầu hết hàng hóa và dịch vụ, vẫn hiển hiện một ngoại lệ là các mặt hàng gia dụng.

Nhu cầu giảm bắt đầu làm hạ giá thành một số mặt hàng, như đồ nội thất và đồ giường tủ, vốn đã giảm nhẹ từ đầu năm 2007, theo số liệu của chính phủ. Đồ điện, vật dụng và thiết bị gia đình cũng bắt đầu giảm giá.

Chỉ vài tháng trước, những nhà chính sách người Mỹ đã lo lắng về vấn đề ngược lại, đó là tình trạng tăng giá, hay lạm phát, khi giá dầu mỏ và lương thực leo thang khi đó rút ruột nền kinh tế. Vào tháng 7, giá cả bình quân cao hơn một năm trước đó 5,6 %, mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1991. Tuy nhiên đến cuối tháng 9, mức lạm phát theo năm giảm còn 4,9 % và được chờ đợi sẽ còn thấp hơn nữa.

Lạm phát có thể khơi mào cho điều tồi tệ hơn: Giảm phát


Một loạt các mặt hàng được bán trong các siêu thị Wal-Mart ở Mỹ giảm giá nhằm kích thích tiêu dùng (Ảnh nguồn: Beth Hall/Associated Press)

Điều lo lắng khác nảy sinh khi ở trường hợp xấu nhất, lạm phát chấm dứt có thể khơi mào cho một điều tồi tệ: sự cắt giảm tiêu dùng lững thững và dai dẳng khi người tiêu dùng và nhà kinh doanh trên khắp thế giới mất sức mua, khiến hạ giá thành nhiều mặt hàng.

Mặc dù được cân nhắc là khó thể xảy ra, điều đó vẫn có thể khiến nhà kinh doanh trì hoãn sản xuất và gia tăng cắt giảm nhân công, làm cho nhiều người mất khoản tiền lương và nhu cầu tiêu dùng suy giảm về sau.

Mối nguy hiểm ở chỗ khó tìm ra cách giải quyết. Những nhà chính sách có thể đại khái đẩy lùi lạm phát bằng cách tăng lãi suất, thắt chặt hoạt động kinh tế và cắt giảm nhu cầu tiêu dùng. Nhưng như trường hợp Nhật Bản đã trải qua, một nền kinh tế có thể chìm trong giảm phát nhiều năm liền, ngay cả khi đã đưa lãi suất về số không: giá cả sụt giảm khiến các công ty đắn đo trong đầu tư ngay cả khi thừa thãi tín dụng.

Hầu hết những năm 1990, giá nhà đất và hàng hóa không ngừng suy giảm ở Nhật Bản. Khi nhân công bị cắt giảm nhiều hơn và sức mua giảm, giá cả vẫn không ngừng rớt, tuột trong vòng xoáy bại sản. Một số người lo ngại nền kinh tế Mỹ đang lâm vào số phận tương tự, nếu như suy thoái sâu rộng và kéo dài, còn người tiêu dùng mất sức mua cũng như ở châu Âu, châu Á và Mỹ La tinh phải chịu xuống dốc.

“Đó là một nguy cơ đầy ý nghĩa vào lúc này”, Nouriel Roubini, nhà kinh tế ở Stern School of Business thuộc đại học New York cho biết. Ông là người đã tiên đoán trúng từ trước cuộc khủng hoảng tài chính và cảnh bảo khả năng giảm phát cách đây nhiều tháng. “Chúng ta đã bước vào vòng luẩn quẩn của nỗi khó khăn ngày một chồng chất”, ông nói.

Hầu hết nhà kinh tế, bao gồm cả Roubini và Barbera, cho rằng những nhà chính sách người Mỹ có đủ phương cách để ngăn ngừa hố đen giảm phát như đã từng bao trùm Nhật Bản. Nỗi lo giảm phát gần đây nhất ở Mỹ là vào năm 2003, nhưng Cục dự trữ liên bang (FED) đã ngăn chặn hiểm họa bằng cách giảm lãi suất nhằm giữ nền kinh tế phát triển. Lần này, FED một lần nữa phải mạnh tay, cắt lãi suất xuống mức 1% trong tuần trước. Đồng thời những dự án ứng cứu của chính phủ cũng đã đổ tiền vào nền kinh tế.

“Nếu bạn in đủ tiền, bạn có thể tạo ra lạm phát”, Kenneth S. Rogoff nói. Ông là kinh tế gia đầu ngành ở Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và hiện nay là giáo sư ở Harvard.

“Chúng ta đang bước vào cuộc suy thoái toàn cầu quyết liệt thật sự”

Giảm giá, các cửa hàng hi vọng có thể kích cầu và cứu vớt thị trường(Ảnh nguồn: Ric Francis/Associated Press)

Nhưng ngay cả khi chính quyền Mỹ buông lỏng tín dụng, nguy cơ vẫn gia tăng. Không phải chỉ từ sau Đại suy thoái nhiều quốc gia mới phải đối mặt với nó. Cuộc khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng lên toàn cầu, như một con virus miễn nhiễm mọi phương cách chữa bệnh. Từ Hàn Quốc đến Iceland, Brazil, cơn dịch lan rộng, mang theo nó là sự thắt chặt tín dụng đã làm ngã gục ngay cả những công ty tài chính khả kháng nhất.

“Chúng ta đang bước vào cuộc suy thoái toàn cầu quyết liệt thật sự”, Rogoff nói. “Một cuộc suy thoái tài chính đáng kể đã được mở đường để trở thành nỗi hoảng sợ trên toàn cầu mang đầy đủ dáng dấp. Đó là một tình trạng rất nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ không chỉ một vài năm tới tồi tệ, mà chúng ta sẽ có một thập kỉ bị mất khác”.

Kinh tế toàn cầu đã phát triển khởi sắc trong những năm gần đây, phần nhiều hưởng lợi từ việc đầu tư cho mượn. Nó làm nổi lên những khu nhà ở trù phú ở Florida và California, nhà máy thép ở Ukraina, lò gia súc ở Brazil và khu phố thương mại ở Thổ Nhĩ Kì.

Làn sóng đó giờ đây đang đổi chiều. Những ngân hàng và tập đoàn tài chính đang tính đến những khoản lỗ đầu tư trị giá hàng trăm tỉ đô la. Khi khó khăn trong việc tích lũy lại vốn, họ hoãn việc cho khách hàng vay nợ, đòi các khoản trả nhanh chóng từ các khách hàng khác và các tài sản bán tháo, như nhà bán ra từ việc tịch thu để thế nợ, các khoản đầu tư liên quan đến thế chấp và nợ liên danh. Việc bán ra đang kéo giá cả xuống thấp hơn nữa, khiến trị giá tài sản trong bảng cân đối kế toàn giảm đi, nhiều trường hợp buộc phải phải thanh toán.

“Bạn rơi vào vòng phản hồi bất lợi này khi giá trị tài sản suy giảm”, Barbera nói. “Về căn bản bạn đang đặt gánh nặng xuống nền kinh tế toàn cầu.”

Trong những cuộc khủng hoảng trước, như ở Mexoco năm 1994 và hầu hết châu Á năm 1997 và 1998, những nền kinh tế non yếu cũng tìm cách phục hồi bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu, không riêng gì nước Mỹ. Nhưng bây giờ, người tiêu dùng ở Mỹ bị ảnh hưởng nặng. Sau nhiều năm được mượn tiền mua nhà và dư dả chi tiêu tín dụng, người tiêu dùng đang bị quay lưng lại.

Từ châu Á đến Mỹ La tinh, xuất khẩu đang giảm dần và sẽ tiếp tục như thế khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới sa sút. Nỗi lo thêm chồng chất khi những nền sản xuất chủ yếu như Trung Quốc hay Ấn Độ, vốn gia tăng sản lượng mạnh mẽ trong những năm gần đây, sẽ phải bán hạ giá sản phẩm ra thị trường thế giới để giữ các nhà máy hoạt động và ngăn chặn nạn thất nghiệp, kéo giá cả thấp xuống.

Trước đó trong năm nay, một số nhà phân tích cho rằng những công ty ở Mỹ nên tiếp tục đà kinh doanh, ngay cả khi người tiêu dùng quay đi, bàng cách bán ra thị trường nước ngoài. Lập luận cho rằng Caterpillar, nhà sản xuất thiết bị xây dựng, có thể bị thiệt hại doanh thu ở Mỹ nhưng những dự án lớn từ Nga cho đến Dubai đòi hỏi nhà thầu nước ngoài. Úc và Brazil cũng cần mở rộng các hoạt động khai khoáng khi đưa quặng sắt đến những lò nung ở Đông Bắc Á.

“Năm tới, không nghi ngờ gì nữa, sẽ là một thách thức”

Nhưng khi hầu hết thế giới đang gặp khó khăn, Ceterpillar cũng lo lắng. “Năm tới, không nghi ngờ gì nữa, sẽ là một thách thức”, James W. Owens, CEO của Ceterpillar nói.

Trung Quốc từ lâu đã là tâm điểm của lập luận cho rằng thế giới vẫn giữ đà tăng trưởng bất kể Mỹ rơi vào khó khăn. Trung Quốc đang nhập khẩu bông từ Ấn Độ và Mỹ, linh kiện điện tử từ Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan; gỗ từ Nga và châu Phi, và dầu từ Trung Đông.

Nhưng nhiều thành phẩm của Trung Quốc với nguyên vật liệu nhập từ nước ngoài đã đổ bộ vào thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Khi người tiêu dùng quay lưng ở những nước trên, các nhà máy Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng cùng với các nhà cung cấp trên toàn cầu.

Việc Trung Quốc sản xuất ít máy laptop hơn trước kéo theo nhu cầu về chip giảm. Tuần trước nữa, Toshiba, nhà sản xuất chip lớn nhất ở Nhật, công bố khoản lỗ 275 triệu đô la từ tháng 7 đến tháng 9, cho rằng đó là hậu quả của nhu cầu trên thế giới giảm đi.

Nhu cầu cho TV màn hình phẳng ít hơn đồng nghĩa với việc giảm nhu cầu của màn hình thủy tinh phẳng. Tháng trước, Samsung, nhà sản xuất điện tử lớn ở Hàn Quốc, nói rằng việc vượt cung của sản phẩm này tạo nên khoản lỗ trong quý nặng nhất kể từ 3 năm qua.

Hiện nay, việc thừa mừa hàng hóa dường như đang xảy ra ở Mỹ. Đặt hàng của cho xe tải của các doanh nghiệp sụt giảm. Đầu tư trong thiết bị công nghiệp suy yếu. Tuy nhiên lượng vật tư lại gia tăng.

“Tôi lo lắng về một nền kinh tế tương tự nước Nhật”, Barry P. Bosworth, nghiên cứu sinh Viện Brookings cho biết. “Chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc làm thế nào để đưa nền kinh tế phục hồi trong vài năm tới”.

Tác giả bài viết là Peter S. Goodman, cây bút kinh tế trong nước của báo The New York Times. Trước đó, ông là phóng viên viết về kinh tế châu Á của tờ Washington Post.

Quốc Tân (theo New York Times)

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

Google Translate: "Thông dịch viên" trực tuyến cho người Việt

Google Translate: "Thông dịch viên" trực tuyến cho người Việt

Google vừa bổ sung thêm khả năng hỗ trợ tiếng Việt cho công cụ chuyển đổi ngôn ngữ trực tuyến Google Translate. Đây có thể coi là minh chứng cho thấy Google đánh giá khá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Sử dụng Google Translate người dùng không chỉ có thể dịch từ, câu hay đoạn văn mà còn có thể dịch cả một trang web từ nhiều ngôn ngữ khác nhau sang tiếng Việt hoặc ngược lại từ tiếng Việt sang một tiếng nước ngoài khác bằng những thao tác rất đơn giản. Ví dụ người dùng có thể dịch website báo Tuổi Trẻ sang tiếng Anh và 32 ngôn ngữ khác. Hay dịch trang blog của mình để các khách nước ngoài có thể xem trang này dễ dàng hơn.

Không những thế các nhà phát triển và quản trị website còn có thể dễ dàng bổ sung Google Translate lên trang web mong muốn chỉ bằng một vài dòng lệnh Javascript đơn giản được Google cung cấp sẵn. Công cụ này cho phép người dùng có thể dịch website sang ngôn ngữ quen thuộc với họ, góp phần phá bỏ rào cản ngôn ngữ trên thế giới mạng Internet.

“Translated Search” là một tính năng khác của Google Translate cho phép người dùng dịch một thuật ngữ tìm kiếm từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác rồi tiến hành tìm kiếm bằng chính Google Search với từ khóa đã được dịch đó. Tính năng này hiện cũng đã hỗ trợ tiếng Việt.
Duy nhất tính năng Dictionary của Google Translate là đến thời điểm này vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt.

Đối với người dùng Google Toolbar, Google Translate sẽ có thêm một tính năng nữa. Đó là dịch nghĩa từ trực tiếp trên website bằng tiếng Anh. Chỉ cần chỉ chuột vào từ muốn tra nghĩa Google Translate sẽ ngay lập tức hiển thị một cửa sổ pop-up nhỏ hiển thị đầy đủ ngữ nghĩa của từ đó bằng tất cả ngôn ngữ có hỗ trợ.

Như vậy, với việc bổ sung thêm tiếng Việt, tổng số lượng ngôn ngữ được Google Translate hỗ trợ đến thời điểm hiện tại đã lên tới con số 34. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng có thể dịch một ngôn ngữ nguồn sang 33 thứ tiếng khác nhau như tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Na Uy, Hà Lan, Ả Rập, Bungari, Croatia, Đan Mạch, Hy Lạp, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…

Vấn đề chất lượng
Google Translate có thể dịch từ khá tốt nhưng lại gặp khó khăn trong việc dịch câu, đoạn văn, dịch ý hay câu phức tạp. Với những từ tiếng lóng hay mang nghĩa bóng thì Google Translate cũng không thể xử lý được. Trong những trường hợp như thế này đôi khi Google Translate vẫn để nguyên ngôn ngữ gốc. Trường hợp người dùng đưa lên tiếng Việt không dấu thì Google Translate cũng đành… bó tay.

Nhưng có thể nói chất lượng dịch của Google vẫn tương đối tốt và đủ để những người không hiểu biết một thứ ngôn ngữ nào đó có thể hiểu được ý nghĩa của một website viết bằng ngôn ngữ đó. Chúng ta khó có thể đòi hỏi được chất lượng dịch cao hơn nữa mặc dù Google cam kết sẽ liên tục cải tiến và nâng cấp.

Đơn giản là bởi Google Translate là một “cái máy biết dịch” chứa không phải là “một thông dịch viên bằng xương bằng thịt”. Làm sao một chiếc máy mà có đủ khả năng để hiểu hết sự phức tạp trong ngôn ngữ hàng ngày của con người.
“Chiếc máy dịch” đó hiện vẫn phải sử dụng cơ chế dịch kiểu “word-by-word” đối chiếu trực tiếp từ trong ngôn ngữ nguồn với từ có nghĩa tương đương trong ngôn ngữ đích rồi ghép lại thành câu dịch. Cũng có khá nhiều mẫu câu ngữ pháp có mặt trong cơ sở dữ liệu của Google Translate nhưng không phải lúc nào cũng được sử dụng đúng và phù hợp.

Tuy nhiên, không ít người dùng Việt Nam khi dùng thử đều đã đánh giá Google Translate là công cụ chuyển đổi ngôn ngữ trực tuyến tốt nhất trên thế giới mạng Internet hiện nay.
Đánh giá cao thị trường Việt Nam

Việc Google Translate bổ sung thêm khả năng hỗ trợ tiếng Việt không chỉ là một tin tốt lành đối với người dùng Việt mà nó còn là dấu hiệu rõ ràng cho thấy “cách nhìn” của một hãng công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay đối với thị trường công nghệ thông tin Việt Nam.

Các quan chức cấp cao của Google khi đến Việt Nam gần đây trả lời báo giới rằng Việt Nam thực sự là một thị trường tiềm năng. Việc bổ sung thêm khả năng hỗ trợ tiếng Việt cho Google Translate lần này có thể xem là một minh chứng rõ ràng cho “đánh giá” đó của “gã khổng lồ tìm kiếm”.
Yếu tố quan trọng nhất trong “con mắt” của Google chính là người dùng Internet. Càng có nhiều người dùng được dùng Internet, được truy cập web và sử dụng dịch vụ của Google thì hãng này càng kiếm được nhiều lợi nhuận từ dịch vụ quảng cáo trực tuyến. Việt Nam lại đang có lợi thế về mặt này.

Tính đến nay đã có khoảng 20,2 triệu người dân Việt Nam - khoảng 23,4% dân số - được sử dụng Internet. Theo số liệu thống kê của Internet World Stats, Việt Nam hiện đứng thứ 6 ở châu Á và đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á - sau Indonesia (25 triệu) - về số lượng người dân được sử dụng Internet. Tính chung trên toàn thế giới Việt Nam đứng thứ 17/20 nước có số lượng người dân được dùng Internet nhiều nhất thế giới.
Còn nếu xét về tốc độ tăng trưởng thì ở Châu Á, Việt Nam chỉ xếp sau Pakistan. Chỉ sau có 8 năm số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đã tăng hơn 100 lần - từ khoảng hơn 200.000 trong năm 2000 đến 20,2 triệu trong năm 2008.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong danh sách 10 quốc gia có tốc độ phát triển mạng băng rộng cao nhất thế giới do Hãng nghiên cứu viễn thông Ovum (Anh) xây dựng. Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TTTT), cho biết hiện tốc độ phát triển Internet băng rộng tại Việt Nam tăng 150%. Mặc dù vậy, Việt Nam mới có khoảng 1,41 triệu thuê bao băng rộng và đạt mật độ 1,58% dân số.
Rõ ràng với một thị trường tiềm năng như thế này Google sẽ khó lòng nào mà có thể bỏ qua được. Việc bổ sung thêm khả năng hỗ trợ tiếng Việt cho Google Translate là một trong những bước đi đầu tiên của “gã khổng lồ tìm kiếm” trong việc xâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Việt Nam.

Hướng dẫn sử dụng
Để sử dụng Google Translate, người dùng trước tiên hãy truy cập vào địa chỉ http://translate.google.com/translate_t#, rồi dán từ, câu, đoạn văn… vào mục “Original Text” hoặc đường dẫn website vào mục “Translate a Web Page”, sau đó chọn ngôn ngữ nguồn - hoặc có thể để Google Translate tự chọn ngôn ngữ nguồn bằng cách chọn lựa “Detect Language” - và ngôn ngữ đích rồi bấm nút “Translate” và chờ đợi trong giây lát công cụ sẽ hiển thị đã được dịch.
Ví dụ, để dịch website Tuổi Trẻ Online từ tiếng Việt sang tiếng Anh, độc giả hãy nhập địa chỉ “http://www.tuoitre.com.vn” vào mục “Translate a Web Page” và chọn ngôn ngữ nguồn là “Vietnamese” và ngôn ngữ đích và “English” rồi bấm nút “Translate”. Chỉ trong vài giây Google Translate sẽ hiển thị kết quả trong cùng cửa sổ trình duyệt.

Còn để dịch một đoạn văn bản, độc giả hãy nhập nội dung văn bản vào mục “Original Text”, chọn ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích rồi bấm nút “Translate”. Kết quả dịch sẽ được hiển thị ở ngay bên tay phải đoạn văn bản gốc giúp người dùng dễ so sánh hơn.
Để bổ sung công cụ Google Translate vào website, nhà phát triển hãy truy cập vào địa chỉ http://translate.google.com/translate_tools?hl=en, chọn lựa ngôn ngữ hiển thị rồi sao chép phần mã nguồn trong mục “Copy and paste the HTML below to include the gadget on your webpage” đưa vào website.

Đối với người dùng Google Toolbar - có thể tải về miễn phí tại địa chỉ http://www.google.com/tools/firefox/toolbar/FT3/intl/en/index.html - sau đó tiếp tục truy cập vào địa chỉ http://translate.google.com/translate_tools?hl=en rồi nhắp chuột chọn ngôn ngữ mong muốn, kéo và thả nó vào thanh công cụ Google Toolbar để bổ sung thêm.

T.DŨNG

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2008

Interpol cảnh báo thuốc giả ở Việt Nam

Người sử dụng cần mua thuốc có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng - Ảnh: Thanh Tùng


Trong số những hàng hóa giả, thì thuốc chữa bệnh làm giả là thứ người ta sợ nhất.
Hôm qua 20.9, Sở Y tế (TP.HCM) đã tổ chức hội nghị “Một số vấn đề về thuốc giả”, với sự tham dự của rất đông dược sĩ, đại diện các nhà bán thuốc lẻ... Theo cơ quan chức năng, thuốc giả là một trong những vấn đề nóng bỏng và phức tạp hiện nay. Báo cáo của Thanh tra Sở Y tế (TP.HCM) cho biết, trong một đợt Thanh tra Sở tham gia lớp tập huấn về phòng chống thuốc giả do Cảnh sát Quốc tế (Interpol) tổ chức mới đây, Interpol đã đưa ra một số thông tin đáng lo ngại về tình trạng thuốc giả ở Việt Nam: qua khảo sát cho thấy, số mẫu thuốc giả được phát hiện tại Việt Nam đứng hàng thứ 2 so với các nước trong khu vực (với 406 mẫu thuốc giả được phát hiện). Tỷ lệ này ở Lào là 447 mẫu (nước cao nhất), Campuchia 271 mẫu, Thái Lan 173 mẫu... Những mặt hàng thuốc giả được phát hiện phần lớn là các thuốc: kháng sinh (như: Ampicillin, Amoxicillin, Erythromycine, Tetracyclin...); các thuốc chữa bệnh rối loạn cương dương (như Viagra, Cialis...); và các thuốc chữa trị bệnh sốt rét... Interpol đưa ra nhận định rằng: “Tỷ lệ thuốc giả ở Việt Nam có phần phức tạp do hiện nay thuốc giả được sản xuất bằng công nghệ cao, bao bì sản phẩm rất giống thuốc thật, hoặc do hàng kém chất lượng từ nước ngoài đưa vào Việt Nam bằng nhiều đường, rồi “mông má” lại hạn sử dụng”.



Qua công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống thuốc giả trong thời gian qua của Sở Y tế TP.HCM, đã phát hiện thuốc giả tại thị trường TP.HCM dưới nhiều hình thức, chủng loại như: 1. thuốc giả không có dược chất gì cả (thuốc này không có tác dụng điều trị), đây là điều đáng sợ nhất, vì theo báo cáo, hàng loạt các thuốc giả loại này liên quan đến những thuốc kháng sinh quen thuộc; 2. giả tên của một số nhãn hiệu nổi tiếng; 3. giả với hình thức mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của các thuốc đã đăng ký sở hữu công nghiệp; 4. giả bằng cách dùng nhãn phụ nhập khẩu giả dán lên thuốc nhập lậu... Riêng từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã chuyển 2 trường hợp thuốc giả sang cơ quan cảnh sát điều tra.




Phó chánh thanh tra Sở Y tế (TP.HCM), dược sĩ Trần Thị Thanh Loan nói: “Thị trường thuốc giả hoành hành trên cả thế giới chứ không riêng gì trong nước. Thuốc giả lưu thông khắp thế giới bằng nhiều đường khác nhau, thậm chí mua bán trên Internet. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc giả chiếm 7-15% tại thị trường thuốc các nước phát triển; và chiếm 25% tại thị trường thuốc ở các nước đang phát triển”. PGS.TS Trương Văn Tuấn (Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện, TP.HCM) cảnh báo về tác hại của thuốc chữa bệnh giả: “Thuốc giả ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, có thể gây ngộ độc, hoặc bệnh nhân phải gánh chịu những phản ứng có hại, tác dụng phụ...”. Theo các nhà chuyên môn, ngoài là mặt hàng được sử dụng rất nhiều, thì việc thu lợi bất chính từ sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh giả là rất cao, vì thế thuốc được làm giả rất nhiều. Việc phòng chống thuốc giả, do vậy, là vấn đề hết sức nóng bỏng và khó khăn.



Bàn về biện pháp phòng chống thuốc giả, đại diện Sở Y tế khuyến cáo các cơ sở buôn bán thuốc chỉ kinh doanh những loại thuốc có chứng từ, hóa đơn, nguồn gốc rõ ràng. Theo PGS.TS Trương Văn Tuấn, để phòng chống thuốc giả, ngoài việc kiểm soát gắt gao từ phía các cơ quan quản lý, thì người tiêu dùng cũng cần cảnh giác cao với thuốc giả.




Thanh Tùng - Lê Nga

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008

“Loạn” xét nghiệm, bệnh nhân khốn khổ



“Loạn” xét nghiệm, bệnh nhân khốn khổ
TP - Có bệnh nhân làm xét nghiệm tiêu tốn cả triệu đồng nhưng khi đưa kết quả này sang một bệnh viện khác thì bị cho là “không hợp lệ” và bắt buộc phải làm lại xét nghiệm.



Các loại bệnh cần xét nghiệm ngày càng nhiều nhưng mỗi bệnh viện lại theo một "chuẩn" khác nhau. Ảnh: Lê Nguyễn.


Nhiều bệnh viện còn “đẻ” ra hàng loạt xét nghiệm mà lẽ ra không cần thiết để rút tiền bệnh nhân.

Chỗ bảo có, nơi bảo không
Phát hiện mình hay bị đau lưng, ngày 8/9, ông Lê Mỹ, 64 tuổi, ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, lặn lội vào Bệnh viện Bình Dân TPHCM để được thăm khám.
Tại đây, ông được chỉ định làm gần 10 xét nghiệm như xét nghiệm máu, chụp phim phổi, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm chức năng gan, đường trong máu, mỡ trong máu… tiêu tốn của ông gần 2 triệu đồng.
Sau khi có kết quả là sỏi thận trái, viên sỏi chỉ 5mm, ông Mỹ còn phải trải qua thêm một loạt xét nghiệm nữa như làm UIV, xét nghiệm lại chức năng thận… để bác sĩ tiến hành tán sỏi.
Ông Mỹ không phải là trường hợp điển hình. Ngày 10/9, sau khi đến bệnh viện 115 TPHCM khám sức khỏe tổng quát, anh Nguyễn Văn B. ở quận 7, TPHCM phải làm tổng cộng 10 xét nghiệm kiểm tra.
Phát hiện mình có vấn đề về thận niệu nên anh qua bệnh viện Bình Dân thăm khám tiếp. Tuy nhiên, tại đây anh phải làm lại tất cả các xét nghiệm cũ trước khi làm xét nghiệm chuyên về bệnh lý thận niệu.
Ngày 25/8, chị Nguyễn Thị H. ở quận Tân Bình, TPHCM đến Trung tâm Y khoa Medic Hòa Hảo ở quận 11 để xét nghiệm xem mình có bị viêm gan siêu vi hay không. Sau khi làm hết các xét nghiệm với tổng số tiền hơn 2 triệu đồng, kết quả chị bị viêm gan siêu vi B.
Thế nhưng, khi đi qua làm xét nghiệm lại ở bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM và bệnh viện Chợ Rẫy thì chị không bị viêm gan B. Vòng luẩn quẩn xét nghiệm đã khiến chị mất hơn 5 triệu đồng nhưng chả biết tin vào kết quả nào.
Bác sĩ Hoàng Quốc Hòa - Phó Giám đốc bệnh viện Gia Định TPHCM cho biết, ông đã gặp không ít trường hợp khi bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện này phải “ôm” cả hàng đống XN không cần thiết.
“Có bệnh nhân chỉ bị bệnh tăng huyết áp bình thường, sau khi làm các xét nghiệm bệnh lý xong, bác sĩ ở một bệnh viện tại TPHCM còn bắt người bệnh phải chụp CT ngực và chụp cả MRI, cho dù họ không nằm trong diện nghi ngờ bóc tách động mạch chủ ngực”- bác sĩ Hòa nói.

Bệnh viện này chê bệnh viện kia
Ngày 9/10, tại khoa Tán sỏi của bệnh viện Bình Dân, anh Nguyễn Minh Tuấn 28 tuổi, ở Bình Giã, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu không giấu được sự bực tức khi anh đã có trong tay kết quả xét nghiệm của 2 bệnh viện nhưng tới bệnh viện Bình Dân anh vẫn bị bệnh viện này “cho thêm” một loạt xét nghiệm lại nữa.
Ông Lê Mỹ: “Tôi đi xét nghiệm ở Medic rồi nhưng qua bệnh viện Bình Dân vẫn phải làm lại xét nghiệm toàn bộ”.






Anh Tuấn bức xúc: “Trước đó khi đến bệnh viện tỉnh Bà Rịa, tôi được các bác sĩ cho làm xét nghiệm về máu, nước tiểu, huyết học, chụp 3 lần X- quang về phổi; siêu âm thận… tốn hơn 1 triệu đồng. Họ kết luận tôi bị sỏi thận. Chưa tin nên tôi đến bệnh viện Triều An TPHCM tiếp tục thăm khám.
Tại đây, tôi cũng được làm hàng chục xét nghiệm tương tự và kết quả bị sỏi thận trái, với viên sỏi 6mm. Nhưng qua bệnh viện Bình Dân, tôi phải chi gần 2 triệu tiền xét nghiệm nữa, vì lý do cả hai bệnh viện trên là tuyến dưới, kết quả xét nghiệm không chính xác?!”.
Bệnh viện tuyến trên chê kết quả xét nghiệm của tuyến dưới đã đành, nhưng theo các bác sĩ, bệnh viện ngang tuyến, có cùng đội ngũ cán bộ xét nghiệm và máy móc tương tự nhau cũng chê nhau.
Ngay tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, bác sĩ Hòa cho biết bệnh viện chỉ chấp nhận kết quả xét nghiệm của một số bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Trung tâm chẩn đoán Medic hay Viện Pasteur mà thôi.
Nhưng không phải xét nghiệm nào cũng được chấp nhận, có vài xét nghiệm chỉ để “tham khảo”. Lý do đơn giản mà bác sĩ Hòa đưa ra là chưa có một quy định chuẩn về xét nghiệm nên không thể dựa vào nhau để điều trị cho người bệnh được. Vì vậy, có những xét nghiệm không phù hợp với kết quả lâm sàng của bệnh, bệnh viện bắt buộc bệnh nhân phải làm lại.
Trong khi đó, ngay cả những xét nghiệm của bệnh viện ngang tuyến, thậm chí xét nghiệm của Đại học Y dược TPHCM hay Chợ Rẫy đều bị bác sĩ bệnh viện Bình Dân bắt làm lại từ đầu. Họ giải thích rằng, xét nghiệm lại để bảo đảm độ chính xác, tránh được sự cố vì bệnh viện khác xét nghiệm sai (?!).
Các bệnh viện khẳng định, họ tuyệt nhiên không dám lấy kết quả xét nghiệm từ các bệnh viện tư để điều trị cho bệnh nhân. Lý do là phương tiện xét nghiệm thiếu, yếu nên lấy kết quả này điều trị cho bệnh nhân thì có khi “mang họa”.

Bao giờ mới có “chuẩn”?
Nhiều năm trời báo chí kêu ca về tình trạng “loạn” xét nghiệm gây tốn kém tiền bạc, thời gian cho bệnh nhân, làm cho bệnh viện thêm quá tải… nhưng hình như Bộ Y tế vẫn chưa nghe tới. Vì vậy, ngày càng có nhiều phòng xét nghiệm mọc lên, nhiều bệnh viện rầm rộ trang bị thêm phương tiện hoạt động trong xét nghiệm, nhưng việc quản lý cũng gần như bị bỏ ngỏ.
Trong một cuộc kiểm tra 35 bệnh viện của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TPHCM mới đây cho thấy có đến 87% thiết bị chẩn đoán chưa qua kiểm định.
Đặc biệt, các loại huyết áp kế, nhiệt kế y học, máy điện tim, máy điện não, X-quang, máy xạ trị… không kiểm định nhưng vẫn ung dung đo đạc cho người bệnh khiến cho kết quả vênh nhau đến không ngờ.
Theo bác sĩ Hoàng Quốc Hòa, Bộ Y tế nên thành lập Hội đồng chuẩn hóa xét nghiệm hay một Trung tâm xét nghiệm chuẩn trên toàn quốc. Điều này sẽ tránh tình trạng cùng một xét nghiệm tương đương khi đến bệnh viện khác, bệnh nhân lại bị chỉ định làm xét nghiệm nữa. Và hơn hết là đảm bảo cho người bệnh và ngành y tế đỡ tốn kém.



Lê Nguyễn

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2008

TP.HCM: Nhiều cây xăng đong thiếu, gian lận

TP.HCM: Nhiều cây xăng đong thiếu, gian lận

TT(TP.HCM) - Thanh tra Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM vừa công bố kết quả thanh tra về kinh doanh xăng dầu tại 31 cửa hàng. Theo đó, có 45/201 cột đo xăng dầu được kiểm tra không đạt yêu cầu. Vi phạm gây bức xúc là đong thiếu số lượng. Đặc biệt là trường hợp gian lận bằng cách gắn chip điện tử để ăn gian số lượng (đong thiếu) vẫn còn diễn ra.
Đoàn thanh tra đã phát hiện cửa hàng xăng dầu số 2 (tổ 11, ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) gắn chip điện tử trong trụ bơm xăng dầu để điều khiển về đo lường. Tại cửa hàng xăng dầu này, sai số dương của cột bơm (đong thiếu) từ 2,77 - 6,38%. Vi phạm này đã bị chánh thanh tra Sở Khoa học - công nghệ ra quyết định xử phạt 13 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp đong thiếu nhiên liệu cho khách hàng với mức sai số dương thấp nhất được phát hiện là 0,6% và cao nhất đến 10,5% (cứ bán 100 lít nhiên liệu ăn gian được 10,5 lít). Nhiều trường hợp sai số dương 5-7%.
Có 4/18 mẫu xăng được đưa đi phân tích chất lượng không đạt về chỉ số octan của loại xăng như công bố. Cụ thể công bố bán xăng M92 nhưng khi phân tích chỉ số octan chỉ đạt 90,8 - 91,5, công bố bán xăng M95 nhưng chỉ đạt 93.
Tám đơn vị vi phạm

Tên đơn vị vi phạm

1. CH xăng dầu Hoàng Anh 1

Sai số dương (đong thiếu) 0,6-1,62%

Ðịa chỉ Vi phạm: 42B QL 22 ấp Xuân Thới Ðông, huyện Hóc Môn

2 . Cửa hàng xăng dầu số 5

Sai số dương 0,6-4,9%

Ðịa chỉ Vi phạm: QL 22, ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi

3 . Cửa hàng xăng dầu số 2

Gắn chip điện tử điều khiển đo lường; sai số dương 2,77 - 6,38%

Ðịa chỉ Vi phạm: Tổ 11, ấp 1, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh

4 . Cty TNHH SXTMDV Uy Minh

Sai số dương 7-10,5% (mức cao nhất được phát hiện); công bố bán xăng 92 nhưng chỉ số octan chỉ 91,5

Ðịa chỉ Vi phạm: A4/27 QL 1A, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân

5 . DNTN Tân Thịnh Vượng

Công bố bán xăng 92 nhưng chỉ số octan chỉ 91,3

Ðịa chỉ Vi phạm: 6/4A QL 1A, khu phố 1, phường Thới An, Q.12

6 . CH bán lẻ xăng dầu Hai Lữ

Công bố bán xăng 95 nhưng chỉ số octan chỉ 93

Ðịa chỉ Vi phạm: D14/396 quốc lộ 50, xã Ða Phước, huyện Bình Chánh

7 . CH xăng dầu Bà Ðiểm 1

Công bố bán xăng 92 nhưng chỉ số octan chỉ 90,8

Ðịa chỉ Vi phạm: QL 22, ấp Ðông Lân, xã Bà Ðiểm, huyện Hóc Môn

8 . CH xăng dầu Thới Tam Thôn

Sai số dương 3,1 - 6,2%

Ðịa chỉ Vi phạm: 30/4 Tô Ký, ấp 5, xã Thới Tam Thôn, H. Hóc Môn

(Nguồn: Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM)

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2008

5 cách nhận biết ảnh giả

Bạn dễ dàng nhận ra các bức ảnh cưới, chân dung, người mẫu... được sửa chữa nhưng những hình ảnh tư liệu "nhạy cảm" hơn cần có con mắt nhà nghề để xác định.



Các yếu tố nhận biết thật - giả khá nhiều, trong đó những điều cơ bản bao gồm ánh sáng, canh nét, hướng nhìn của mắt, các đặc điểm kỹ thuật của ảnh...

Ánh sáng

Tấm ảnh ghép từ nhiều hình ảnh khác nhau sẽ khó có độ thuần nhất về ánh sáng (cường độ chiếu sáng, hướng của ánh sáng....).


Ví dụ một quả cầu như trên sẽ sáng nhất ở bề mặt có tia nắng chiếu thẳng góc (hướng của mũi tên vàng), tối nhất ở phía đối diện, các vùng xung quanh nó sẽ sáng với mức độ khác nhau tùy vị trí khuất. Sự phản xạ lại của tia sáng sang không gian hay vật thể xung quanh cũng có mức độ tương ứng.

Để nhận biết hướng của nguồn sáng, bạn phải biết được hướng chiếu sáng trên từng vị trí của bề mặt. Sẽ rất khó nếu nhìn toàn bộ vật thể để xác định nguồn sáng nhưng hãy chú ý đến các đường viền trên bề mặt - nơi hướng ánh sáng vuông góc với bề mặt. Bằng cách đo độ sáng và hướng cùng với một số điểm trên đường viền, các thuật toán có thể xác định được hướng nguồn sáng.


Ví dụ: hình trên là ảnh ghép vì hướng nguồn sáng chiếu vào các viên cảnh sát không tương ứng với những con vịt (xem hướng mũi tên).
Hướng mắt nhìn và vị trí




Do các cặp mắt có hình dáng cố định nên chúng rất hữu dụng để phân tích xem bức ảnh có bị chỉnh sửa hay không. Tròng đen của mắt là hình tròn nhưng ta sẽ thấy nó có hình elip khi nó di chuyển sang bên cạnh hoặc lên xuống (a).

Người ta có thể biết được mắt nhìn ra sao trong một bức ảnh bằng cách tìm tia sáng từ mắt đến một điểm gọi là điểm chính giữa của máy ảnh (b). Bức ảnh hình thành từ nơi các tia sáng đi qua mặt phẳng của hình ảnh (màu xanh lơ). Điểm chính của máy ảnh - phần giao giữa mặt phẳng hình ảnh và tia sáng - sẽ nằm gần với điểm chính giữa của bức ảnh.

Một nhóm chuyên gia đã dùng hình dáng của 2 tròng đen trong bức ảnh để suy luận ra đôi mắt có hướng nhìn tương ứng thế nào với máy ảnh và có được điểm chính giữa của camera (c).

Khi điểm chính này nằm cách xa điểm chính giữa của camera hoặc người có điểm chính giữa không cố định chính là bằng chứng cho thấy bức ảnh bị chỉnh sửa (d).


Thuật toán cũng phát huy tác dụng với các vật thể khác nếu biết hình dạng của nó, ví dụ như hai bánh của chiếc ô tô.


Tuy nhiên, kỹ thuật này còn hạn chế vì phải dựa trên tính toán chính xác giữa hai tròng mắt.

Điểm sáng trên mắt

Ánh sáng xung quanh phản chiếu trong mắt sẽ hình thành nên những điểm sáng nhỏ và dựa vào hình dạng, màu sắc, vị trí của chúng, người ta có thể xác định được về ánh sáng.



Ví dụ: năm 2006 có một bức ảnh về các ngôi sao American Idol chuẩn bị được xuất bản và các điểm sáng trên mắt của họ khá khác biệt (xem ảnh nhỏ).

Vị trí của điểm sáng trên mắt cho biết vị trí của nguồn sáng (ở trên, bên trái). Khi hướng của nguồn sáng (mũi tên màu vàng) di chuyển từ trái sang phải thì điểm sáng trên mắt cũng di chuyển như vậy.

Điểm sáng trong bức ảnh American Idol không cố định nên có thể biết được đây là bức ảnh ghép. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phải cần đến các phân tích về toán học, trong đó xét đếc các yếu tố như hình dáng của mắt, mối liên quan giữa hai mắt, máy ảnh và ánh sáng.
Một số phần trên ảnh bị "nhân bản"


Tính năng "Clone" của Photoshop khá phổ biến để tạo thêm các đối tượng, về bản chất là sao chép một phần của ảnh rồi dán lên phần khác của ảnh. Hình trên được lấy từ một quảng cáo trên truyền hình trong chiến dịch tranh cử của George W. Bush cuối năm 2004.

Các chuyên gia đã tìm ra các vùng "nhân bản" bằng cách tìm kiếm sự khác biệt trên từng pixel (từng khối 6x6 pixel) và nhận ra 3 vùng bị chỉnh sửa được đánh dấu màu đỏ, xanh lá và xanh dương.

Các thông số từ máy ảnh

Cảm biến của máy ảnh số được sắp xếp theo lưới pixel hình chữ nhật nhưng mỗi pixel cảm nhận mật độ ánh sáng chỉ trong một dải bước sóng gần một màu nào đó nhờ bộ lọc màu CFA.


Bộ lọc màu đỏ, xanh dương, xanh lá được sắp xếp như trên. Mỗi pixel trong dữ liệu thô vì vậy có một màu trong 3 màu này. Dữ liệu thiếu bị lấp đầy bằng chính vi xử lý hoặc phần mềm dịch dữ liệu thô từ máy ảnh ra. Cách đơn giản nhất là lấy giá trị của pixel gần nhất.

Do đó, nếu hình ảnh không có dấu hiệu sửa tự động như trên thì có nghĩa là nó được can thiệp bằng một kiểu khác và đây là bức ảnh không thật.


Việc chỉnh ảnh khác biệt so với ảnh gốc đã bị vạch trần trong nhiều trường hợp như vụ cộng tác viên Reuters làm đậm cột khói so với ảnh thật (bên phải).


Việt Toàn (theo Sciam)

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2008

Thực phẩm giúp quý ông sung mãn hơn



- Trong cuộc sống vợ chồng, có rất nhiều tháng ngày các quý ông cảm thấy mình không còn được sung sức. Dù là hiện tượng bình thường nhưng không thể để kéo dài. Dưới đây là một số thực phẩm giúp quý ông điều trị “cậu nhỏ” trong những khoảng thời gian như vậy.

1. Cá nhiều mỡ và cây cải dầu

Các loại cá nhiều mỡ như cá ngừ, cá hồi, cá xác-din… và dầu của cây cải dầu có tác dụng tuyệt vời trong việc tăng cường ham muốn và sức khoẻ.

Các quý ông gặp trục trặc với “cậu nhỏ” hãy ăn đều đặn nhiều lần mỗi tuần những món ăn được chế biến với những thực phẩm trên. Chất omega-3 có trong những thực phẩm này có tác dụng trong việc phòng chống các bệnh tim mạch. Nó làm giảm độ dầy của mảng bám động mạch, tạo điều kiện cho lớp màng monoxit - một hợp chất hoá học có tác dụng giãn mạch không thể thiếu khi “cậu nhỏ” muốn lớn lên - phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, khi chế biến những món ăn này không nên để lửa quá to và ninh quá kỹ, điều đó sẽ làm phân huỷ hết chất omega-3.

2. Bưởi

Bưởi là một loại quả rất phổ biến, vừa làm món tráng miệng, vừa làm các món ăn, trang trí: cùi bưởi dùng để nấu chè, hoa bưởi dùng để ướp chè mạn, lá bưởi dùng để luộc ốc, múi bưởi dùng để giải khát (tác dụng nhuận tràng)… Tuy nhiên, không phải ai cũng loại quả này còn có một tác dụng tuyệt vời trong điều trị chứng rối loạn cương dương ở nam giới.

Các quý ông gặp trục trắc trong chuyện phòng the hãy ăn bưởi đều đặn hàng ngày và ăn nhiều nhất có thể (có thể ăn cả quả nếu muốn). Những múi bưởi mọng nước có chứa chất naringênin - một chất được ví như Viagra, có tác dụng kìm hãm PDE5 - một enzym liên quan với sự ỉu xìu của “cậu nhỏ”.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu người Israel, công tác tại trường ĐH Jêrusalem cho biết những người ăn bưởi đều đặn sẽ giảm được 20% mỡ máu và giảm được 17% mỡ triglysêrit (mỡ có hại cho cơ thể).

Không được ăn thứ quả này khi đang dùng thuốc Viagra, dùng kết hợp 2 loại này có thể gây ra những phản ứng phụ nguy hiểm.

3. Quả lựu

Uống nước quả lựu là một cách giải khát rất tốt. Hơn thế nữa, uống đều đặn hàng ngày sẽ giúp quý ông mắc bệnh “trên bảo dưới không nghe” khắc phục được tình trạng này.

Harin Padman-Nathan, giảng viên của ĐH California mới đây đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy nước lựu giúp cải thiện tình trạng “trên bảo dưới không nghe” rõ rệt, họ đã có thể sinh hoạt đều đặn hàng tuần dù tần số sinh hoạt còn “mỏng”.

Vì sao quả lựu lại có tác dụng này? Theo ông Harin, trong nước lựu có chất chống stress và chất chống oxy hoá. Ngoài ra, trong nước lựu có chứa chất monoxit nitơ - một hợp chất hoá học không thể thiếu được cho đấng mày râu khi “yêu”. Nói cách khác, hợp chất này có dụng cho “cậu nhỏ” cương cứng.

4. Cacao

Bạn có biết chỉ ăn một lượng nhỏ cacao cũng đã rất tốt cho sức khoẻ tim mạch và đời sống phòng the? Chất polyphenol (chất chống oxy hoá) có tác dụng làm giảm áp lực máu, chống các bệnh tim mạch và giúp những “cậu nhỏ” ỉu xìu lấy lại phong độ. Tuy nhiên không nên ăn những loại sô cô la mỡ, nó không hề tốt cho tim mạch.

5. Rượu Sâm-panh

Rượu sâm-panh được biết đến như một thứ đồ uống kích thích hưng phấn cho cả quý ông và quý bà. Một chút rượu vang có thể làm cho quý bà trở nên mơ màng và họ trở nên nồng nhiệt hơn ngày thường trong “chuyện yêu” khi có chồng “đồng loã”. Hàm lượng cồn trong loại rượu này rất nhỏ và đây chính là chất xúc tác ham muốn cho cả 2 giới.

Tuy nhiên bạn cũng nên nhớ, rượu Sâm-panh hay bất cứ loại rượu gì, nếu lạm dụng sẽ cho hiệu ứng ngược. Vậy nên chỉ thỉnh thoảng nhấm nháp một chút sâm-panh với bạn bè mới tốt cho “chuyện yêu” và sức khoẻ của bạn mà thôi.


Dung Nhi
Theo Doctissimo